Trước khi đầu tư thêm 1,12 tỷ USD, dự án Công viên Yên Sở có vốn đầu tư 13.662,9 tỷ đồng, tuy nhiên vốn giải ngân chỉ đạt 20% và dự án đã chậm tiến độ 8 năm.
Theo Chi cục Thống kê Hà Nội, đến tháng 5/2025, thành phố thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 1,39 tỷ USD, trong đó có đóng góp đáng kể từ tổ chức Gamuda Land của Malaysia đầu tư thêm 1,12 tỷ USD (28.941 tỷ đồng) tại dự án công viên Yên Sở.
Theo thông tin từ website Gamuda Land, tập đoàn này được thành lập vào năm 1995. Gamuda Land là nhánh phát triển bất động sản của Gamuda Berhad, là công ty xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng hàng đầu Malaysia.
Bước chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2007, Gamuda Land hiện đang đầu tư nhiều dự án bất động sản như Gamuda City ở Hà Nội, Artisan Park ở Bình Dương, Springville ở Đồng Nai, và Celadon City, Elysian, Eaton Park, The Meadow ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Công viên Yên Sở là một phần của dự án Gamuda City, được khởi công từ 2007 với dự kiến ban đầu sẽ hoàn tất vào năm 2015.
Trên khu vực được mệnh danh là “rốn nước” Yên Sở quận Hoàng Mai, Gamuda City đã được quy hoạch và xây dựng với bao gồm 5 phân khu chính: Công viên Yên Sở, 2 Khu dân cư Gamuda Lakes và Gamuda Gardens, 2 Khu thương mại Gamuda Central và Gamuda Plaza.
Trước khi đầu tư thêm 1,12 tỷ USD, dự án Công viên Yên Sở có vốn đầu tư 13.662,9 tỷ đồng (846 triệu USD). Cơ sở được xây dựng trên diện tích 93,5 hecta và quy mô dân số 8.000 người. Trong đó, khu vực chức năng công cộng là 18,5 hecta (19,8% tổng diện tích), khu vực công viên cây xanh là 63,5 hecta (67,9%) và đường giao thông là 11,5 hecta (12,3%).
Tháng 5/2024, Gamuda cho biết dự án đã chậm 8 năm so với tiến độ và vốn đầu tư đã giải ngân là 2.803 tỷ đồng (20,5% vốn đăng ký). Từ đó, doanh nghiệp đề xuất điều chỉnh nhiều nội dung của dự án.
Một đề nghị là điều chỉnh tăng vốn đầu tư dự án từ 2,16 lần lên 29.518 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn quy mô của dự án Gamuda City giảm từ 322,6 hecta còn 297,3 hecta.
Tháng 4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Thời hạn vận hành dự án được thay đổi sang 50 năm từ năm 2011 (so với phương án cũ là 50 năm từ 2007). Tiến độ hoàn vốn dự án là từng năm từ 2025 đến 2032. Ngoài ra, tiến độ xây dựng và vận hành dự án là khu A hoàn thành năm 2027 và khu B hoàn thành năm 2030.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại để triển khai dự án theo đúng tiến độ.
Theo: cafef.vn